Đại tá Dương Niết xem lại tư liệu.
Rồi ông kể, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông nằm trong đội hình chiến đấu của Tiểu đoàn Bình Ca, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308. Khi đơn vị chuẩn bị về giải phóng Bắc Giang thì có lệnh đình chiến. Tiếp đó Đại đoàn 308 kéo quân về tập kết tại Phùng (Sơn Tây) và được lệnh vào tiếp quản các vị trí Pháp đóng quân, để bảo vệ nhân dân, cơ sở hạ tầng và chuẩn bị đón đại quân chiến thắng trở về. Ngày 7-10-1954, ông nằm trong số 214 cán bộ, chiến sĩ được Trung đoàn lựa chọn vào Thành đợt đầu. Từ Phùng, sang Vĩnh Phúc rồi hành quân về Phù Lỗ; tại đây, cả đoàn được học kỹ 10 điều khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Đêm ấy hành quân về Làng Vân, các chiến sĩ được bà con đón tiếp rất nồng hậu.
Đúng 8 giờ sáng 8-10-1954, cả đoàn đã có mặt ở phía Bắc cầu Đuống. Theo yêu cầu của Pháp, đoàn ta vào Thủ đô không được đem theo súng trường, không được đeo huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên và phải lấy danh nghĩa cảnh vệ Thành. Trừ có Nhà máy Điện và nhà máy Nước, chúng quy định mỗi cơ sở chỉ được phép vào thành từ 3-5 người. Theo đó, ô tô của Pháp đưa 214 cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng về 35 vị trí có quân Pháp đóng. Đây là những vị trí quan trọng, Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi chúng đặt chân đến Hà Nội, như: Phủ Toàn quyền, Tòa Thị chính, Tòa án tối cao, Sở Cảnh sát Bắc Việt, Nhà máy Điện, Nhà máy Nước, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Ga Hàng Cỏ, Nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai…
Đại tá Dương Niết lúc ấy mới là chàng trai tròn 20 tuổi. Ông là tổ trưởng tổ 5 người được lệnh vào tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt. Nhiệm vụ của đơn vị ông khá nặng nề: Hạn chế thấp nhất mưu đồ của Pháp là phá hoại hạ tầng cơ sở của ta ở nội đô; không để chúng cưỡng bức dân di cư; chuẩn bị mọi mặt để đón đại đoàn vào tiếp quản Thủ đô và giữ gìn an ninh trật tự.
Chiều 8-10, một số đơn vị của ta đã áp sát vành đai Đê La Thành, Nhật Tân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở, Bạch Mai và Vĩnh Tuy. Tiếp đó, Quân đội nhân dân Việt Nam theo nhiều đường, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi tỏa ra các khu, lần lượt tiếp quản Ga Hà Nội, phủ Toàn quyền cũ, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, Bắc Bộ phủ. 16 giờ chiều 9-10-1954, những người lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Hai ngày trước đó, bất chấp sự có mặt của quân Pháp, khu vực ngoại thành và Thủ đô Hà Nội đã lác đác cờ hoa và băng rôn, khẩu hiệu. Nhưng đến 5 giờ sáng 10-10-1954, cả Hà Nội tưng bừng nhộn nhịp cờ hoa đón mừng ngày hội lớn. 15 giờ chiều 10-10-1954, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, lá cờ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức tung bay, còi Nhà hát Thành phố nổi lên, hàng chục vạn quân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự Lễ chào cờ do Ủy ban quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ.
Nhớ lại những giây phút hào hùng của dân tộc, Đại tá Dương Niết xúc động bày tỏ: “Khi nhận nhiệm vụ tiếp quản, ai cũng cảm thấy vui mừng, mà cảm động nhất là các đồng chí từng chiến đấu ở Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến ra đi, nay lại được trở về trên những con đường cũ, giữa thanh thiên bạch nhật, trước mặt quân thù với tư thế của những người chiến thắng. Thật đáng tự hào và chẳng còn gì vinh quang, hạnh phúc hơn. Trở về Thủ đô, chúng tôi cảm nhận rất rõ khát khao hòa bình, tự do của người dân được vỡ òa trong niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến”.
Bài, ảnh: QUỲNH VÂN, MINH TUẤN